Cách Sơ Chế Đồ Ăn Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật
Như phần trước chúng ta đã tìm hiểu về việc chuẩn bị đồ ăn dặm kiểu Nhật cho bé theo từng giai đoạn, phần này mình sẽ giới thiệu cho các bạn về cách sơ chế đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật. Đây là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng bữa ăn của bé. Do đó mẹ nên nghiên cứu và thành thục các hướng dẫn này, nào chúng ta cùng bắt đầu nhé.
Cách Sơ Chế Đồ Ăn Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật

Về cách thức sơ chế cơ bản cho bé ăn dặm kiểu Nhật thì sẽ có 4 cách sơ chế phổ biến đó là:
- Rây
- Dầm
- Mài
- Miết
- Thái/băm
- Làm Sánh
Cách rây đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Rây được sử dụng để lọc thức ăn, giúp cho nó trở nên nhuyễn nhỏ hơn nhờ vào các mắt lưới siêu nhỏ trong thiết kế. Việc sử dụng rây sẽ giúp cho đồ ăn của bé mịn hơn không lẫn các bả thức ăn trong quá trình mài, miết đồ ăn, điều này vô cùng hữu ích khi mẹ lọc vỏ tôm, cá xay cho bé. Giúp bé không bị hóc trong quá trình ăn dặm.
Rây là cách sơ chế được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu ăn dặm, bởi thời điểm này bé chỉ có thể nuốt trọn mà chưa thể dùng các cơ quan khác phối hợp để nhai. Ở giai đoạn này, rây được dùng nhiều để sơ chế cháo, rau củ quả.
Cách rây:
Với các loại củ quả, mẹ có thể luộc mềm, thái rời từng khúc. Sau đó miết nó xuống lưới rây nhằm mục đích loại bỏ các thớ xơ ở giai đoạn đầu cho bé ăn dặm.
Với các loại rau thì khó rây hơn một tí do đó mẹ cần luộc mềm, cắt nhỏ sau đó mới tiến hành rây, Khi rây xong mẹ có thể pha thêm nước dashi hoặc chính nước luộc rau để làm loãng rau, như vậy là mẹ đã chế biến xong món ăn thuộc nhóm Vitamin rồi đấy.
Giai đoạn 2 từ 7-9 tháng thì mẹ không cần dùng rây để làm mịn rau nữa mà chỉ cần băm nhỏ là được.
Cách dầm đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Công cụ sử dụng chủ yếu cho phương pháp chế biến này là chày, cối. Ưu tiên cối có rãnh để việc dầm đồ ăn được nhuyễn hơn, tuy nhiên không có thì cũng không sao cả vì sẽ mất thời gian hơn. Đồ ăn chế biến chính trong phương pháp này là các loại thực phẩm như: đậu phụ (hũ), cá, khoai và rau củ quả.
Cách dầm đồ ăn như sau:
Với các loại thực phẩm như rau củ, quả luộc nhừ sau đó dùng chày cối để dầm nhuyễn khi còn đang nóng. Vì khi còn nóng thì việc dầm sẽ nhanh hơn. Sau đó dùng nước dashi hoặc chính nước luộc đó để làm loãng đồ ăn sau chế biến.
Với các loại thực phẩm đạm như cá thì cách làm cũng tương tự mẹ luộc chín tới, sau đó dùng chày cối dầm nhuyễn và dùng nước dashi, nước luộc cá để làm loãng chúng.
Phương pháp chế biến này sử dụng phổ biến ở nửa sau giai đoạn ăn dặm từ 5-6 tháng, và đặc biệt sử dụng nhiều nhất là ở giai đoạn từ 7-8 tháng.
Cách mài đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Mài trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là sử dụng bàn mài để làm nhỏ các loại thực phẩm cứng như củ, quả. Hoặc thậm chí cũng có thể áp dụng mài cho các thực phẩm đạm đã đông lạnh như thịt ức gà, cá..
Cách mài như sau
Có 2 phương pháp mài đó là:
Mài chín: đây là phương pháp mài đối với các loại nguyên liệu đầu vào đã được luộc chín, việc luộc chín sau đó dùng bàn mài sẽ cho ra thành phẩm mịn hơn. Sau khi mài xong có thể dùng nước Dashi và chính nước luộc để pha loãng thành phẩm.
Mài sống: đây là phương pháp mài với nguyên liệu thô chưa qua chế biến, các loại củ quả sẽ được mài sống sau đó nấu chung với nước dùng cùng với các nguyên liệu khác. Thịt, cá cũng có thể mài được bằng cách cấp đông sau đó đem mài, với cách này thì đồ ăn sẽ mịn tơi. Sau đó mẹ có thể cho thịt cá nấu chung với các nguyên liệu khác. Nhớ đều tay và cho thêm nước để đồ ăn không bị vón cục.
Cách miết đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Dụng cụ hỗ trợ chính trong phương pháp này là bàn mài đinh và đôi khi mẹ sử dụng thêm nĩa để phối hợp với bàn mài đinh để miết đồ ăn.
Nguyên liệu chính cần sử dụng phương pháp này là thịt, cá.
Cách miết như sau:
Thịt, cá cần được luộc chín tới trước khi miết
Bỏ thịt, cá đã luộc lên bàn mài, sau đó dùng mặt sau của Nĩa để miết đồ ăn, phải làm thật nhanh và dứt khoát tránh để đồ ăn nguội. Bởi vì lúc đó thịt, cá sẽ trở nên dai và khó miết hơn.
Thái/ Băm
Cái này thì chẳng cần hướng dẫn vì mẹ đã quá quen thuộc, tuy nhiên trong quá trình dùng dao và thớt băm nguyên liệu. Mẹ phải chú ý thái dứt khoát bởi không thái đứt hẳn nguyên liệu thì rất khó chế biến.
Cách làm sánh đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Có 2 cách để mẹ làm sánh, mỗi cách sẽ sử dụng các nguyên liệu khác nhau:
Làm sánh bằng bột năng
Đây là cách thông dụng nhất, bởi nguyên liệu có thể mua sẵn không cần phải sơ chế trước khi sử dụng. Cách dùng như sau: mẹ hòa bột năng theo tỉ lệ 1:2 tức 1 bột 2 nước. Khi đồ ăn trong nồi sôi thì mẹ tiến hành bỏ bột năng vừa trộn vào và khoấy đều cho đến khi đạt được độ sánh hợp lý.
Làm sánh bằng các nguyên liệu tự sơ chế
Khoai tây: để có thể dùng làm nguyên liệu làm sánh đồ ăn thì trước hết khoai tây phải được sơ chế. Cụ thể khoai tây phải được mài kỹ sau đó mới bỏ nấu chung với đồ ăn, khoấy đều cho đến khi đạt được độ sánh hợp lý.
Đậu bắp, mồng tơi: đặc điểm của loại rau này là độ nhớt, do đó khi trộn chung với đồ ăn dặm sẽ giúp bé dễ nuốt hơn. Tuy nhiên trước khi trộn chung với nguyên liệu khác thì đậu bắp, mồng tơi phải được luộc và băm nhuyễn. Ngoài ra mẹ cũng có thể sử dụng chuối để trộn chung, đặc tính trơn của chuối cũng sẽ giúp bé nuốt dễ hơn.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn cách sơ chế đồ ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật, hy vọng bài viết đáp ứng đầy đủ các thông tin cần thiết để cho mẹ tự tin hơn khi tập cho con ăn dặm. Chúc các mẹ thành công !!!!